Trang chủ Tin tức Người “thuyền trưởng” khát khao đổi mới
Người “thuyền trưởng” khát khao đổi mới

Người “thuyền trưởng” khát khao đổi mới

Trong lĩnh vực giáo dục đại học, GS. TS Trần Đức Viên (nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thực sự là một trong những nhà quản lý luôn tiên phong trên nhiều phương diện: thúc đẩy công bố quốc tế, kết hợp liên ngành giữa khoa học nông nghiệp và khoa học xã hội, khởi xướng đổi mới quy trình đào tạo – nghiên cứu gắn với nhu cầu doanh nghiệp, và luôn đặt niềm tin, tạo mọi điều kiện để khuyến khích các nhà khoa học trẻ dấn thân.

 

GS.TS Trần Đức Viên

Đưa KHXH vào giảng dạy

Từ cuối những năm 1980, nhà khoa học trẻ Trần Đức Viên đã nhận ra sự thiếu hụt kiến thức xã hội của các nhà khoa học nông nghiệp. Khi chuyển giao các thành quả của khoa học nông nghiệp vào thực tiễn sản xuất, điều đó có thể dẫn tới hệ quả: cùng một tiến bộ kĩ thuật, áp dụng thành công ở hộ nông dân A, xã A nhưng lại thất bại khi áp dụng ở hộ nông dân B, xã B. Ông nói: “Người nông dân có lý riêng của mình khi không chấp nhận tiến bộ kĩ thuật và công nghệ mới, nhưng các nhà khoa học lại không hiểu căn nguyên, và cách dễ nhất để lý giải cho sự thất bại của mình là họ cho rằng do người nông dân lạc hậu”. Vì thế, ông cho rằng, cần phải phân tích các vấn đề xã hội trong phát triển nông nghiệp thay vì thuần tuý nghiên cứu kỹ thuật – nói ngắn gọn là phải “hiểu dân” trên tinh thần trọng dân, thân dân, coi người nông dân là người thầy trước khi “dạy” họ một cái gì đó.

Trong quá trình nghiên cứu để “hiểu dân”, ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng của những nhà khoa học xã hội, hai trong số những cuốn sách gối đầu giường của ông là Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của Pierre Gourou và Chúng tôi ăn rừng của Georges Condominas. Ông là một trong số hiếm hoi những nhà khoa học nông nghiệp có nhiều công trình nghiên cứu và công bố quốc tế về vấn đề phát triển cộng đồng dựa trên cơ sở tôn trọng đa dạng bản sắc văn hoá. Do vậy, năm 2001, ông được mời đi thỉnh giảng ở Đại học Kyoto, và sau đó là Đại học Keio (Nhật Bản), để thuyết trình về mối quan hệ giữa văn hoá tộc người và các hệ canh tác ở Việt Nam (quan điểm này được phản ánh trong bài viết Culture, Environment and Farming Systems in Vietnam’s Northern Mountain Region, đăng trên tạp chí Southeast Asian Studies, Vol 41. No2. September 2003).

Hiện nay, quan điểm phát triển cộng đồng trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hoá và quyền của các chủ thể văn hoá đã trở nên phổ biến trong giới học thuật và được giới làm chính sách, công chúng Việt Nam thừa nhận. Nhưng cách đây 20 năm, khi GS Viên đưa quan điểm này ra để thảo luận và khuyến nghị chính sách là rất mới mẻ, thậm chí còn khiến không ít người làm chính sách cho là “có tư tưởng phản động”. Ví dụ, khi chính quyền địa phương ở Nghệ An và Ban Quản lý rừng quốc gia Pù Mát có chủ trương đưa người Đan Lai1 ra khỏi vùng lõi rừng quốc gia với lập luận rằng lối canh tác thô sơ, ‘lạc hậu’ của các tộc người thiểu số là nguyên nhân làm suy thoái rừng, thì GS Viên đã chứng minh, lối canh tác của họ không gây tổn hại cho rừng quốc gia và cần “phân quyền” cho họ bằng cách giữ họ lại, giao rừng để họ giám sát, bảo vệ vùng lõi rừng quốc gia.

Với mục tiêu giản dị “trước hết là để học và học dân là để hiểu dân”, ngay từ những năm 1993, 1994, GS. Viên đã hình thành ý tưởng đưa một số chuyên ngành thuộc khoa học xã hội như xã hội học, dân tộc học, tâm lý học… vào giảng dạy trong Trường ĐH Nông nghiệp I, tiền thân của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Học viện). Ông cho rằng “người làm khoa học nông nghiệp có thể học công nghệ, kỹ thuật của Tây, Tàu trong vài tháng, vài năm nhưng đều cần được lấp khoảng trống về kiến thức xã hội học và ứng dụng nó trong thực tiễn suốt đời, bởi khoa học nông nghiệp luôn cần sự gắn bó chặt chẽ giữa phòng thí nghiệm với mảnh ruộng của người nông dân”. Trên cơ sở bộ môn xã hội học, cùng các bộ môn Pháp luật, Lý luận chính trị, ông đã cho thành lập Khoa Lý luận, Chính trị và Xã hội để giảng dạy và nghiên cứu về xã hội học và pháp luật trong tất cả các khoa của Học viện. Có thể nói, ĐH Nông nghiệp I là trường đại học đầu tiên trong khối kỹ thuật đưa khoa học xã hội vào giảng dạy.

Kết nối với doanh nghiệp

Từ trước những năm 2000, GS. Viên đã thấy một bất cập chính của hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo ở ĐH Nông nghiệp I cũng như nhiều trường đại học khác là chưa dựa trên nhu cầu của đối tượng sử dụng lao động – doanh nghiệp, chưa gắn với thị trường. Các trường đại học cứ giảng dạy và nghiên cứu những gì mình có và thấy cần; doanh nghiệp cứ sản xuất và kinh doanh theo nhu cầu của thị trường, rất hiếm khi họ ngồi lại cùng nhau. Hậu quả tất yếu là “tôi đào tạo cái mà anh không cần”, điều này vừa làm nhà trường xa rời cuộc sống, vừa lãng phí nguồn lực (sinh viên không tìm được việc làm, doanh nghiệp phải đào tạo lại). Để khắc phục, ông đề xuất “phải học doanh nghiệp để biết trong thực tiễn, các doanh nghiệp cần gì, tại sao họ làm thế mà không làm khác, tại sao doanh nghiệp không tìm đến các trường đại học như ở nước ngoài?”. Từ đó, ông và lãnh đạo Học viện bắt đầu tổ chức lại việc đào tạo gắn với khảo sát nhu cầu doanh nghiệp (xây dựng chương trình đào tạo sau khi có điều tra doanh nghiệp), với khởi đầu từ ngành Công nghệ rau, hoa quả và cảnh quan.

Nhưng việc “lôi kéo” các doanh nghiệp tham gia đào tạo hoặc nghiên cứu khoa học với nhà trường không hề dễ dàng, vì “doanh nghiệp Việt không tin vào sản phẩm khoa học của các trường, viện. Thậm chí có những năm, đưa sinh viên xuống cơ sở nhưng họ không cho thực tập, chỉ cho ‘kiến tập’ – tức là đứng nhìn, vì không tin sinh viên, sợ sinh viên làm hỏng việc”, GS. Viên nói. Còn các trường cũng không tin doanh nghiệp, cho rằng doanh nghiệp chỉ “ăn sẵn” chứ không giúp gì cho quá trình đào tạo và nghiên cứu. Trong cái khó như vậy, “cái khôn” buộc phải xuất hiện. Ông và lãnh đạo nhà trường kêu gọi cựu sinh viên đang làm doanh nghiệp quay trở lại giúp đỡ nhà trường bằng cách: góp ý cho quá trình đào tạo, tham gia chấm luận văn, luận án, nói chuyện chuyên đề ngoại khóa cho sinh viên, nhận người đi thực tập, sau đó dần dần kêu gọi họ tham gia các ngày hội việc làm để tuyển dụng sinh viên. Hiện nay nhiều sinh viên của Học viện đã có việc làm từ khi chưa làm khóa luận tốt nghiệp. GS. Viên luôn tâm đắc với châm ngôn: “Cựu sinh viên là niềm tự hào của Học viện, là người làm nên vóc dáng, hình hài và vị thế của trường đại học”. Do vậy, theo ông, trường đại học cũng phải “cố gắng không ngừng để luôn là niềm tự hào của các thế hệ sinh viên”. Với cách làm như vậy, tới nay, Học viện có 20 ngành đào tạo theo định hướng gắn với doanh nghiệp, và đã “thành nếp”, cứ sáu tháng hoặc một năm, các khoa lại lấy ý kiến doanh nghiệp để liên tục đổi mới chương trình đào tạo.

Sau khi cùng tổ chức những hoạt động đào tạo chung với các doanh nghiệp thành công – đã có “niềm tin”, Học viện mời doanh nghiệp cùng tham gia góp ý cho các nghiên cứu và mua sản phẩm khoa học. “Tôi mời các doanh nghiệp tới tận phòng thí nghiệm và nói với họ: ‘ở đây chúng tôi có phòng thí nghiệm, cán bộ học ở nước ngoài về, có thể làm được các sản phẩm công nghệ với chất lượng bằng 7 – 8 phần 10 so với nước ngoài, nếu các ông cùng làm với chúng tôi thì chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm chất lượng bằng của nước ngoài’. Mình phải hiểu được và khởi dậy lòng tự hào, tự cường dân tộc ở doanh nghiệp để họ cùng mình hoàn thiện các nghiên cứu khoa học”, GS Viên cho biết. Nhờ những nỗ lực đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy mà rất nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty giống cây trồng Hải Phòng, tập đoàn Thuốc thú y Marphavet, Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình (Thaibinhseeds), Công ty TNHH Cường Tân (Nam Định)… tìm tới mua sản phẩm công nghệ để thương mại hoá và đồng hành cùng Học viện trong việc tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp.

Khuyến khích và bảo vệ những người trẻ dấn thân

Song song với thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường, một dấu ấn quan trọng mà GS Viên để lại là khuyến khích thế hệ trẻ ươm mầm khát vọng, dám nghĩ dám làm. Từ năm 2007, GS. Viên đề ra và kiên trì thực hiện chủ trương khuyến khích công bố quốc tế tại Học viện với quy định: hằng năm các tiến sĩ phải có công nghệ mới phục vụ sản xuất hoặc một công bố quốc tế, mỗi tác giả bài báo trong danh mục ISI sẽ được tăng lương trước hạn và thưởng 25 triệu… Chủ trương này thực sự gây áp lực cho cán bộ Học viện và khuyến khích những người trẻ nỗ lực phấn đấu, phần nào loại trừ được “tư tưởng cây đa cây đề” trong “làng” khoa học. Nhưng ít ai biết rằng, ngay tại thời điểm đầu tiên áp dụng chính sách khuyến khích và yêu cầu công bố quốc tế nói trên, GS Viên trong cương vị người đứng đầu Học viện đã chịu những áp lực như thế nào từ những người có tư tưởng thủ cựu trong và ngoài Học viện. Nhưng “không vì thế mà được phép chùn chân, mà càng cần phải dấn bước tiến về phía trước”, bởi ông luôn tâm niệm: “để xây dựng được một cơ quan nghiên cứu, giảng dạy tốt, ngoài việc tạo ra nguồn lực, động lực thì cũng cần phải tạo ra cả áp lực để cán bộ làm việc. Khi đó mới có thể nuôi dưỡng khát vọng, đam mê của tuổi trẻ. Điều đó là quan trọng nhất, bởi người trẻ có khát vọng, đam mê thì có thể đạp bằng mọi khó khăn để tiến bước thành công”.

Một mặt, GS Viên khuyến khích cán bộ trẻ nghiên cứu, “hướng ngoại” bằng công bố quốc tế, mặt khác, ông thường xuyên đến các khoa, các phòng thí nghiệm “tìm tòi” nhân tố mới, những con người luôn “tiến về phía trước”. Vì thế, nhiều đơn vị trực thuộc Học viện có lãnh đạo là những nhà khoa học rất trẻ. Ông chia sẻ: “trong những lần gặp anh em, mình luôn để ý và thấy, những người có năng lực và khát vọng luôn làm việc rất hăng say và hừng hực khí thế, họ không đòi quyền, không đòi tiền mà chỉ cần môi trường nghiên cứu chuyên nghiệp. Khi đó, mình biết rằng nếu giao việc và tin ở họ, ắt sẽ thành công”.

PGS.TS Nguyễn Việt Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển và Dịch vụ của Học viện, cho biết: “Thầy Viên rất lắng nghe đề xuất của các cán bộ trẻ. Sau khi đi học ở Hà Lan về, tôi đề xuất thành lập công ty của tôi như một dạng spin off của các trường đại học danh tiếng nước ngoài nhằm thúc đẩy thương mại hoá các sản phẩm công nghệ của Học viện thì thầy rất quan tâm, yêu cầu tôi trình bày rõ ràng cơ sở thực tiễn của đề xuất và ủng hộ, mặc dù ý tưởng còn rất mới mẻ và chưa có nhiều thành công ở Việt Nam”.

GS Viên tự nhận xét những nghiên cứu và công việc mà mình đã từng làm ở Học viện giống như việc lái tàu, “có thể gặp sóng dữ, có thể va phải đá ngầm. Nhưng người đứng đầu phải dấn thân lao về phía trước với tinh thần trong sáng, không vụ lợi, thì mọi người mới lao theo anh ta. Bởi vì trong xã hội, không phải người nào dám dấn thân vì sự nghiệp chung cũng được nâng đỡ và bảo vệ. Vì thế, ngoài việc truyền cảm hứng, khuyến khích, thì thế hệ đi trước cũng rất cần dũng cảm bảo vệ những người trẻ dám dấn thân vì sự nghiệp chung, vì cộng đồng”.
————
1 Một nhóm nhỏ được xếp vào tộc người Thổ, cư trú chủ yếu ở miền núi Nghệ An.

 

GS. TS Trần Đức Viên có trên 70 công bố quốc tế trong danh mục ISI/ Scopus về lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Trong đó, những đóng góp nổi bật của ông là các quan điểm về sinh thái học nông nghiệp ở Việt Nam và góp phần thảo luận về việc nghiên cứu ứng dụng sinh thái học nông nghiệp ở môi trường học thuật quốc tế từ rất sớm. Đầu những năm 1990, ông cùng một nhóm các nhà khoa học liên ngành gồm nông nghiệp, sinh thái, xã hội, nhân chủng, môi trường như Lê Trọng Cúc, Terry Rambo, Jefferson Fox, Alan Ziegler, Masayuki Ishine, Kjeld Rasmussen, Georg Cadisch… nghiên cứu và công bố nhiều công trình ở trong nước và quốc tế về sự ảnh hưởng của văn hóa canh tác truyền thống và điều kiện môi trường tới canh tác nông nghiệp trong bối cảnh hiện đại ở miền núi phía Bắc. Ngoài hàng chục công bố quốc tế được các nhà xuất bản danh tiếng như Springer, Elsevier, NUS Press, United Nations University Press… công bố, còn phải kể đến một số chuyên khảo tiêu biểu: Tiếp cận sinh thái nhân văn trong phát triển lâu bền vùng núi Tây nam Nghệ An, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 1996; Farming with Fire and Water: The Human Ecology of a Composite Swiddening Community in Vietnam’s Northern Mountains, Kyoto University Press, 2009. Từ những phát hiện trong nghiên cứu về canh tác nông nghiệp ở nông thôn miền núi, ông tiếp tục phát triển quan điểm của mình sang một “lãnh địa” rộng lớn hơn – phát triển bền vững. Ông đưa ra quan điểm: để một cộng đồng phát triển bền vững, cần quản lý trên cơ sở tôn trọng sự đa dạng văn hóa tộc người và trao quyền cho họ (Nông thôn miền núi- Những nghiên cứu hướng tới phát triển lâu bền, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2001, Decentralization of Forest management and Impacts on Livelihoods of Ethnic Minority Groups in Vietnam’s Uplands, Agricultural Publishing House, 2005). Cho tới nay, ông vẫn tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu này, điều đó được thể hiện gần đây nhất với chuyên khảo có tựa đề Upland Natural Resources and Social Ecological Systems in Northern Vietnam (volume two), Elservier, 2016. Với những quan điểm về sinh thái học nhân văn và phát triển bền vững đó, ông được mời giảng dạy ở một số trường đại học trên thế giới như Kyoto, Keio (Nhật Bản), Hawaii (Hoa Kỳ)… và tham gia phản biện trong nhiều hội đồng luận án tiến sĩ ở một số đại học danh tiếng như AgroParisTech (Pháp), Waginingen (Hà Lan), Liege (Bỉ)…